Kỹ thuật trồng cà chua bi

Cà chua bi là nguồn cung cấp vitamin A và C tuyệt vời, có chứa rất nhiều các chất dinh dưỡng khác như lycopene – một chất chống oxy hóa mạnh, vitamin C, K, các chất chống viêm như carotenoid và flavonoid, ít chất béo và không chứa cholesterol,… Cà chua bi còn có nhiều công dụng chữa bệnh rất tốt: cải thiện thị lực, phòng chống ung thư tuyến tiền liệt, phổi,…. giảm lượng đường trong máu, giúp ngủ ngon hơn. Hiện nay, cà chua bi bán rất dễ và được giá, hiệu quả kinh tế cao.

Mùa vụ: Vụ xuân – hè: Gieo tháng 2-3; trồng tháng 3-4; thu hoạch tháng 5-6; Vụ sớm: Gieo tháng 7; trồng tháng 8; thu hoạch tháng 9-10; Vụ muộn: Gieo hạt tháng 10; trồng tháng 11; thu hoạch tháng 2-3; Vụ chính: Gieo hạt từ 20-25/9; trồng từ 18-20/10; thu hoạch tháng 12-1 năm sau.

  1. Đất trồng

Cà chua bi có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là đất có tầng canh tác dầy, nhiều mùn hữu cơ, thoát nước tốt, độ PH từ 6,0 – 6,5. Chọn đất trồng cà chua bi là đất sạch, xa khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, không bị ô nhiễm kim loại nặng; nơi có đầy đủ ánh nắng mặt trời, ít nhất từ 7 – 10 giờ /ngày.

  1. Làssm đất

Cày sâu, phơi ải, bừa kỹ, bón lót 40 tấn phân chuồng ủ hoai mục + phân lân. Làm luống có chiều rộng khoảng 110 – 120cm, cao 30cm, rãnh rộng từ 20 – 25cm theo hướng Đông – Tây.

  1. Trồng và chăm sóc

Khi trồng hoặc gieo hạt cần đảm bảo khoảng cách hàng với hàng là 80cm, cây cách cây từ 50cm.

Chuẩn bị hạt

Chọn mua hạt ở các địa chỉ có uy tín, có bảo hành. Ngâm hạt vào nước 54 độ C, thời gian 2 giờ, vớt ra rửa lại với nước sạch, để ráo nước rồi cho vào khăn vải ủ ở nhiệt độ 25 – 30 oC đến khi hạt nứt nanh đem gieo.

Gieo hạt

Có thể gieo hạt vào túi bầu, khay xốp hoặc khay nhựa, trên khay có các ô bầu, đường kính 4,0- 5,5cm đựng đầy giá thể đã trộn sẵn.

Trồng cây

Khi cây con có 4 lá trở lên, cao 10-12 cm, khoẻ mạnh, nhổ đem trồng. Từ 7 – 10 ngày sau khi trồng cà chua, thường xuyên tưới nước 2 lần một ngày, vào sáng sớm và chiều mát. Lượng nước tưới chỉ cần vừa đủ, không tưới vào lá để ngăn ngừa sự phát triển của sâu bệnh gây hại lá. Khi cây lớn đảm bảo cung cấp đủ khoáng chất cho cây cà chua sinh trưởng và phát triển tốt. Khi cây cà chua ra hoa đậu quả cần tăng cường lượng nước để cây khỏe mạnh, sai quả và đạt năng suất, chất lượng cao.

 Làm giàn

 Dùng tre hoặc nứa có chiều cao khoảng hơn 1m cắm xuống đất tạo thành hình cột trụ. Làm giàn chữ A khi gió bão giàn vững chắc, cây cà chua không bị nghiêng gãy đổ.

Chăm sóc

 Bấm ngọn và tỉa cành, tỉa lá già:

– Tỉa chồi: Cần tỉa kịp thời khi nhánh mới nhú ra 3 – 5cm để dinh dưỡng tập trung nuôi quả, thường xuyên tỉa bỏ mầm nách vô hiệu. Dùng tay đẩy gãy, không dùng móng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt vì dễ nhiễm bệnh qua vết thương.

– Tỉa lá: Tỉa bớt lá chân, lá già của cây đã chuyển sang màu vàng để vườn thông thoáng, nhất là những vườn rậm rạp, dễ gây nhiễm bệnh trong mùa mưa. Tuy nhiên, mùa khô cần để lá chân để che bớt nắng tránh bị rám quả.

– Tỉa quả: Mỗi chùm quả chỉ để 4 – 6 quả, ngắt cuối cành mang quả để dinh dưỡng tập trung nuôi quả tạo cho quả lớn đều cỡ, giá trị thương phẩm cao.

– Bấm ngọn: Trong giai đoạn gần cuối thu hoạch bấm ngọn để quả lớn đều, thu tập trung.

Phân bón và cách bón:  Tính cho 1 ha.

Bón lót: Phân chuồng: 40 tấn; Vôi: 1500kg; Lân: 133kg; Đạm: 1100kg; NPK 15 – 5 – 20: 300kg.; Bón thúc: bón hết đạm 1 lần sau trồng 10 ngày; NPK: 1.100kg: bón thúc lần 1 sau trồng 10 bón 50 kg; lần 2 bón 200kg, lần 3 bón 450kg, lần 4 bón hết; mỗi lần bón cách nhau 15 ngày.

  1. Thu hoạch

Khi quả chín hãy dùng dao hoặc kéo sắc cắt quả. Xếp vào thùng, rổ sọt cứng sạch sẽ có đệm lót để tránh dập hỏng.

Thu hoạch vào lúc thời tiết mát mẻ, sau đó tiến hành phân loại, đóng gói đem bảo quản và tiêu thụ.

Nguồn: Hội Nông Dân Hòa Bình

Gọi điện cho tôi Facebook Messenger Chat Zalo